Nhiễm trùng vết mổ là một biến chứng sau phẫu thuật, làm kéo dài thời gian nằm viện cũng như giảm khả năng phục hồi bệnh. Chính vì thế, cần phải biết cách chăm sóc vết mổ sau khi ra viện, nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn để xử lý kịp thời.
1. Nhiễm trùng vết mổ là gì?
Nhiễm trùng vết mổ là những nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật, trong thời gian từ khi mổ cho đến 30 ngày sau mổ với phẫu thuật không có cấy ghép và cho tới một năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận nhân tạo.Nhiễm trùng vết mổ được chia thành 3 loại với các đặc điểm và biểu hiện khác nhau:
1.1. Nhiễm khuẩn vết mổ nông
Là nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật, chỉ liên quan tới da và tổ chức dưới da và người bệnh có ít nhất một trong các biểu hiện sau:
Vết mổ bị sưng, đỏ, đau hay vết mổ tụ dịch;
Chảy mủ từ vết mổ nông;
Phân lập được vi sinh vật qua cấy vô khuẩn dịch hoặc mô từ vết mổ.
1.2. Nhiễm khuẩn vết mổ sâu
Là nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc trong vòng 1 năm với phẫu thuật có đặt dụng cụ cấy ghép, là nhiễm khuẩn tại mô mềm sâu (lớp cân cơ) của vết mổ và người bệnh có ít nhất một trong các biểu hiện sau:
Vết mổ bị sưng, đỏ, đau hay vết mổ tụ dịch và có chảy mủ từ vết mổ sâu;
Toác vết mổ tự nhiên hoặc phẫu thuật viên chỉ định mở vết mổ khi người bệnh sốt (≥ 38oC), đau nhiều hoặc phù nề tại vết mổ hoặc áp xe hoặc bằng chứng khác liên quan tới vết mổ sâu xác định qua thăm khám trực tiếp, trong khi phẫu thuật lại hoặc qua xét nghiệm giải phẫu bệnh, X-quang.
1.3. Nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang cơ thể
Là nhiễm khuẩn tại vị trí cơ quan/khoang của bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, ngoại trừ đường rạch da, cân, cơ được mở hoặc thao tác trong quá trình phẫu thuật. Nhiễm khuẩn này xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc trong vòng một năm với phẫu thuật có đặt dụng cụ cấy ghép và người bệnh có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
Chảy mủ từ dẫn lưu được đặt trong khoang/cơ quan;
Phân lập được vi sinh vật qua cấy vô khuẩn dịch hoặc mô của cơ quan/khoang;
Áp xe hoặc bằng chứng nhiễm khuẩn khác liên quan tới cơ quan/khoang được xác định qua thăm khám trực tiếp, trong khi phẫu thuật lại hoặc qua xét nghiệm giải phẫu bệnh, X-quang.
2. Hậu quả của nhiễm khuẩn vết mổ như thế nào?
Nhiễm khuẩn vết mổ là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người bệnh được phẫu thuật trên toàn thế giới. Đây là nhiễm trùng sau phẫu thuật với mức độ phổ biến đứng hàng thứ hai, sau nhiễm khuẩn tiết niệu trong bệnh viện. Tỷ lệ người bệnh được phẫu thuật mắc nhiễm trùng vết mổ thay đổi từ 2% - 15% tùy theo loại phẫu thuật. Khoảng trên 90% nhiễm trùng thuộc loại nông và sâu.
Nhiễm khuẩn vết mổ để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị. Đây là lý do chiếm gần 90% nguyên nhân tử vong ở người bệnh. Với một số loại phẫu thuật đặc biệt như phẫu thuật cấy ghép, nhiễm khuẩn vết mổ là biến chứng có chi phí cao nhất so với các biến chứng ngoại khoa nguy hiểm khác và làm tăng thời gian nằm viện trung bình hơn 30 ngày.
3. Nhiễm trùng vết mổ có điều trị được không?
Hầu hết các nhiễm khuẩn vết mổ có thể được điều trị bằng kháng sinh. Các loại kháng sinh được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn cũng như tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ cần phải phẫu thuật lại để điều trị nhiễm trùng, dẫn lưu dịch mủ trong khoang cơ thể ra ngoài hay thậm chí phải tháo bỏ các dụng cụ đã cấy ghép.
4. Bác sĩ cần làm gì để hạn chế nhiễm trùng vết mổ?
Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, bác sĩ, điều dưỡng hay các nhân viên y tế nói chung phải tuân theo các hướng dẫn phòng ngừa nhiễm trùng phẫu thuật. Các hướng dẫn này bao gồm:
Làm sạch tay và cánh tay lên đến khuỷu tay bằng các chất khử trùng ngay trước khi phẫu thuật;
Làm sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng cồn trước và sau khi thăm khám, chăm sóc cho từng bệnh nhân;
Mang khẩu trang, áo choàng và găng tay theo quy định trong khi phẫu thuật;
Tháo bỏ trang sức trên tay, cắt ngắn móng tay, tháo móng giả, đội mũ trùm kín tóc, mang ủng giấy hoặc đi dép dành riêng cho khu phẫu thuật;
Các thành viên không trực tiếp tham gia phẫu thuật phải vệ sinh tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn theo quy trình vệ sinh tay thường quy trước khi vào khu vực vô khuẩn của khu phẫu thuật;
Chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh nhân trong vòng 60 phút trước khi phẫu thuật bắt đầu và nên dừng kháng sinh trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
5. Bạn có thể làm gì để đề phòng nhiễm trùng vết mổ cho mình?
5.1. Trước khi phẫu thuật
Hãy cho bác sĩ của bạn biết về các vấn đề sức khỏe của bạn như tình trạng dị ứng, tiểu đường, thuốc đang điều trị... vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm trùng sau phẫu thuật và cách thức điều trị cho bạn;
Bỏ hút thuốc lá. Bệnh nhân hút thuốc được quan sát thấy bị nhiễm trùng nhiều hơn;
Đừng cạo râu, lông gần nơi sẽ phẫu thuật. Cạo bằng dao cạo có thể gây kích ứng da, trầy xước và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
5.2. Sau khi phẫu thuật
Không tự ý tháo băng vết thương;
Yêu cầu gia đình và bạn bè đến thăm bạn không chạm vào vết thương phẫu thuật hoặc băng vết thương;
Người thân cũng nên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng cồn trước và sau khi đến thăm bạn. Nếu bạn không thấy họ làm sạch tay, hãy yêu cầu họ thực hiện điều này;
Hãy đảm bảo rằng bạn hay người nhà của mình biết cách chăm sóc vết thương cho bạn trước khi ra viện;
Luôn rửa tay với xà phòng trước và sau khi chăm sóc vết thương.
6. Chăm sóc vết mổ đúng cách như thế nào?
Hầu hết các vết thương không cần phải thay băng sau một ngày xuất viện, trừ khi có sự dặn dò đặc biệt của bác sĩ. Sang ngày kế tiếp, bạn nên tháo băng cũ ra và thay băng mới mỗi ngày trong những ngày sau đó, cho đến khi vết thương được cắt chỉ và lành hẳn.
Việc làm sạch bề mặt vết thương bị khâu và vùng da xung quanh cần được thực hiện với đôi bàn tay đã được rửa sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nên dùng kềm gắp với bông gòn, gạc hoặc vải mềm thấm dung dịch nước muối sinh lý. Sau đó, nhẹ nhàng lau hoặc chấm nhẹ trên bề mặt vết thương. Kế tiếp là lau rửa vùng da xung quanh vết thương, lan rộng trong phạm vi bán kính khoảng 5cm. Cần tôn trọng trình tự này vì dễ hạn chế lây nhiễm cho vết mổ. Không sử dụng chất tẩy rửa da, xà phòng kháng khuẩn, rượu, iốt hoặc peroxide (nước oxy già) cũng như không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng da, kem giữ ẩm hoặc dầu, dung dịch thảo dược nào ngoại trừ khi đã có chỉ định của bác sĩ. Cuối cùng, lau khô vết thương cùng với gạc và băng lại bằng gạc sạch hoặc vải sạch.
7. Khi nào cần phải báo bác sĩ?
Bạn cần báo lại bác sĩ hay đi đến tái khám sớm nếu bạn thấy vết thương sau phẫu thuật có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây:
Đau đớn tăng dần;
Đỏ hoặc sưng tấy;
Chảy máu hoặc chảy mủ;
Tăng tiết dịch từ vết thương;
Có mùi hôi;
Vết thương trông có vẻ lớn hơn, sâu hơn;
Bung chỉ khâu;
Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau hay ấn thấy phập phều;
Toàn thân mệt mỏi, lừ đừ;
Nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5oC trong hơn 4 giờ,
Những biểu hiện trên gợi ý vết mổ sau phẫu thuật có thể đã bị nhiễm trùng. Việc điều trị lúc này không thể tiếp tục tại nhà mà cần phải được nhân viên y tế vệ sinh vết thương một cách chuyên nghiệp và có chỉ định dùng thêm kháng sinh đường toàn thân. Trong một số ít trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cần phải tháo chỉ để thăm dò nguy cơ nhiễm trùng vết mổ từ bên trong.
Nói tóm lại, sự mất toàn vẹn bề mặt da vốn dĩ đã là một yếu tố nguy cơ làm tăng nhiễm trùng nói chung, nhiễm trùng vết mổ nói riêng. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hỗ trợ bạn chăm sóc vết thương tại nhà cho chính mình hay người thân, phòng tránh nhiễm trùng, giúp vết mổ mau lành và đạt tính thẩm mỹ cao.