Là một trong những yếu tố chính quyết định vẻ đẹp của “dáng mũi” sau khi nâng, chế độ chăm sóc hậu phẫu tốt sẽ giảm thiểu tối đa trường hợp vết thương của bạn bị nhiễm trùng. Những thông tin cực kỳ quan trọng sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các biểu hiện thường gặp và cách chăm sóc sau khi nâng mũi.
I. Triệu chứng thường gặp sau khi nâng mũi
Trước hết, bạn cần hiểu rõ những triệu chứng thường gặp sau khi phẫu thuật nâng mũi để giảm bớt tâm lý căng thẳng và lo âu. Vì từ lúc thực hiện đến khi cấu trúc mũi được ổn định là cả một quá trình, nên trong những ngày đầu bạn cần làm quen với những biểu hiện như:
– Vùng mũi sưng nhẹ: Bởi vì các vật liệu được cấy ghép vào trong khoang mũi đều cần thời gian để thích nghi và ổn định. Lúc này, máu và các hoạt chất hoạt động nhiều hơn ở vùng mũi để nuôi dưỡng phần mô giúp vết thương mau lành hơn, nên bạn sẽ cảm giác hơi sưng đỏ.
– Chảy nước mũi hay tiết dịch: Là biểu hiện thường gặp ở tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật nâng mũi. Bạn chỉ cần sử dụng tăm bông hay khăn giấy sạch để thấm hết phần dịch là được, trong trường hợp dịch tiết ra nhiều hơn bình thường thì nên quay lại gặp bác sĩ để kiểm tra và tiến hành hút dịch nếu cần.
– Hơi khó thở và nghẹt mũi: Khoảng 3 ngày đầu sau khi phẫu thuật, bạn sẽ có cảm giác này bởi vì 2 bên lỗ mũi đã được nhét dụng cụ hỗ trợ cố định vách ngăn, lúc này bạn tạm thời phải thở bằng miệng.
II. Những lưu ý khi chăm sóc mũi sau nâng
1. Vệ sinh vết thương đúng cách
Một trong những việc đầu tiên cần bạn tuyệt đối tuân thủ sau khi phẫu thuật nâng mũi đó là vệ sinh vết thương thường xuyên và đúng cách. Hằng ngày, ngoài việc luôn giữ cho vùng phẫu thuật được tránh nước hoàn toàn, bạn còn phải dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý lau bên trong lỗ mũi và phần trụ mũi một cách nhẹ nhàng, sau đó dùng Povidine để sát khuẩn vết thương là xong.
2. Chế độ ăn uống khoa học
Để quá trình lành thương được diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, thì bạn cần nghiêm túc kiêng cử một số thực phẩm làm ảnh hưởng đến vết thương như rau muống, thịt bò gây sẹo lồi, rượu bia gây sưng viêm, hay các loại hải sản gây ngứa, dị ứng,… Đồng thời, đừng quên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như cà rốt, đu đủ, cam, khoai lang,… hay các thức ăn giàu protein tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe như thịt heo, thịt dê, cá nước ngọt, sữa chua, đậu đen,…
3. Chế độ nghỉ ngơi và vận động hợp lý
Trong thời gian chăm sóc vết thương, bạn cần ngủ đúng giờ và đủ giấc để quá trình tái tạo da được diễn ra thuận lợi, giúp vết thương mau lành hơn. Tuy nhiên, bạn không nên nằm nghỉ ngơi quá nhiều so với bình thường vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Thay vào đó, bạn nên đi lại nhẹ nhàng kết hợp cùng các động tác thể dục đơn giản để đảm bảo sức đề kháng cần thiết cho cơ thể trong giai đoạn này.
4. Thường xuyên tái khám theo chỉ định của bác sĩ
Thông thường sau mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ căn dặn về đơn thuốc, thời gian tháo nẹp, cắt chỉ, tái khám cũng như những lưu ý khác trong quá trình hậu phẫu. Bạn nên uống thuốc đều đặn, đúng giờ để giúp giảm đau hiệu quả, vết thương mau lành. Đi tái khám thường xuyên sẽ giúp bạn được bác sĩ kiểm tra và theo dõi quá trình lành thương một cách chuẩn xác, tránh được những tình huống ngoài mong muốn xảy ra sau khi nâng mũi.