Có nên đi hút mỡ bụng không và hút mỡ có an toàn không

Có nên đi hút mỡ bụng không và hút mỡ có an toàn không

Hút mỡ bụng là phương pháp được thực hiện khi chế độ ăn uống, tập luyện không có hiệu quả giảm mỡ, giảm cân. Tuy nhiên, thủ thuật hút mỡ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy hiểm. Vậy có nên đi hút mỡ hay không?

1. Hút mỡ là gì?

Hút mỡ là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ được sử dụng để loại bỏ lượng mỡ dư thừa. Thủ thuật này được thực hiện khi các phương pháp như điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục không thể loại bỏ các chất béo từ một số vùng trên cơ thể. Các khu vực có thể hút mỡ gồm: Bụng, cánh tay, mông, bắp chân và mắt cá chân, hông, đùi, cổ, ngực và lưng. Ngoài ra, thủ thuật hút mỡ cũng có thể được thực hiện để giảm kích thước vú.

2. Quy trình hút mỡ


2.1 Trước phẫu thuật

Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ về mong muốn giảm lượng mỡ như thế nào, vóc dáng sau khi phục hồi ra sao,...;

Người bệnh trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các loại thuốc hoặc chất bổ sung mình đang sử dụng;

Bác sĩ có thể cho người bệnh biết cần ngừng sử dụng một số loại thuốc như chất làm loãng máu hoặc thuốc kháng viêm NSAIDs ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật.

2.2 Thực hiện phẫu thuật
Đều tiên, bác sĩ đánh dấu các vòng tròn và đường kẻ trên vùng điều trị của cơ thể. Sau đó, thực hiện hút mỡ tùy thuộc vào kỹ thuật được lựa chọn. Cụ thể:

Kỹ thuật Tumescent liposuction: Đây là kỹ thuật hút mỡ được ứng dụng rộng rãi nhất. Khi thực hiện, bác sĩ tiêm một dung dịch vô trùng vào khu vực được xử lý để loại bỏ chất béo, tránh đau và làm co lại các mạch máu. Hỗn hợp này làm cho vùng can thiệp sưng lên và cứng lại. Sau đó, bác sĩ rạch một vết nhỏ trên da, chèn vào một ống thông. Ống thông nối với chân không để hút mỡ và chất lỏng ra khỏi cơ thể. Chất lỏng bị lấy ra được bồi phụ thông qua truyền tĩnh mạch;

Hút mỡ bằng sóng siêu âm (UAL): Phương pháp này có thể được tiến hành cùng với kỹ thuật Tumescent liposuction. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ chèn một thanh kim loại để phát năng lượng siêu âm dưới da. Năng lượng siêu âm có thể phá vỡ thành tế bào chất béo và hóa lỏng các tế bào mỡ, giúp loại bỏ mỡ dễ dàng hơn;

Hút mỡ bằng laser (LAL): Đây là kỹ thuật sử dụng ánh sáng laser cường độ cao để hóa lỏng chất béo, giúp loại bỏ chất béo dễ dàng hơn. Sau đó, chất béo được lấy ra khỏi cơ thể qua ống thông;

Hút mỡ bằng lực: Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện di chuyển một ống thông qua lại với tốc độ cao. Sự rung động giúp bác sĩ dễ dàng chất ra chất béo đặc. Phương pháp này có thể ít gây đau và sưng, loại bỏ chất béo với độ chính xác cao, đặc biệt ở những vùng diện tích nhỏ như cánh tay, đầu gối, mắt cá chân.

2.3 Phục hồi
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cần nằm viện hoặc không (tùy thuộc phương pháp hút mỡ được lựa chọn). Bệnh nhân có thể bị bầm, sưng hoặc đau nhức trong vài tuần. Người bệnh có thể được yêu cầu đeo băng nén trong vòng 1 - 2 tháng sau phẫu thuật để giảm sưng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Người bệnh sau khi hút mỡ có thể quay trở lại làm việc sau vài ngày thực hiện can thiệp. Trong vòng 2 tuần sau can thiệp, bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động hằng ngày.

2.4 Kết quả
Hầu hết người bệnh sau khi can thiệp hút mỡ bụng, đùi, hông, bắp tay,... đều hài lòng với kết quả phẫu thuật. Những thay đổi trên cơ thể sẽ thấy rõ trong vài tuần đầu tiên, đặc biệt là sau 4 - 6 tuần.

Dù các tế bào mỡ được loại bỏ vĩnh viễn sau hút mỡ nhưng người bệnh vẫn có thể tăng cân trở lại. Bên cạnh đó, số lượng tế bào mỡ còn lại trong cơ thể không tăng thêm nhưng những tế bào còn lại có thể to lên để bù lại chỗ trống sau khi hút mỡ. Ngoài ra, mỡ có thể giảm khi về già. Cùng với tình trạng mỡ mỏng đi, da ngày càng nhão, thừa và chảy xệ nhiều hơn. Vì vậy, cần duy trì vóc dáng bằng việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

3. Có nên đi hút mỡ bụng không?

Hút mỡ bụng thường được chỉ định cho người có vòng bụng lớn hoặc phụ nữ sau sinh có nhiều mỡ thừa. Với những trường hợp kèm theo thừa da, sau khi hút mỡ cần phải phẫu thuật tạo hình để cắt bỏ da thường. Đây là đại phẫu nên trước khi mổ, người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe tổng thể, đặc biệt là chức năng gan, thận, tim, phổi và xét nghiệm máu.

Lượng mỡ hút ra không phải tùy tiện theo nhu cầu của người bệnh mà cần đảm bảo tối đa không quá 4% khối lượng cơ thể. Nếu hút lượng mỡ nhiều hơn, cơ thể sẽ bị mất nhiều dịch, gây choáng, sốc phản vệ.

Hút mỡ giúp giảm béo cục bộ và có tác dụng về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, về mặt sức khỏe, hút mỡ có thể gây nhiều hệ lụy. Thực tế, mỡ thừa dù được hút ra nhưng vẫn còn trong mạch máu, quanh tim và thận,... Bên cạnh đó, trọng lượng mà cơ thể mất đi sau hút mỡ không hoàn toàn là mỡ mà còn chứa cả nước và dịch.

Lựa chọn nên - không nên hút mỡ bụng cần căn cứ vào những tiêu chí sau:

Những người trên 40 tuổi, không còn sinh đẻ nữa có thể hút mỡ bụng;

Những người mắc bệnh lý tiểu đường, tim mạch, rối loạn đông máu hoặc nghiện thuốc lá,... tuyệt đối không được phẫu thuật;

Thận trọng khi thực hiện hút, tách mỡ và tạo thành bụng, vì đây là phẫu thuật lớn, dễ nguy hiểm tới tính mạng, để lại sẹo;

Trước khi hút mỡ cần thử các loại gen bụng, nếu không dị ứng thì có thể phẫu thuật. Nếu không thích ứng với gen bụng thì không nên thực hiện vì không tạo hình được vùng eo sau khi hút mỡ.

4. Hút mỡ có an toàn không?

Hút mỡ có mức độ nguy hiểm tương đương những cuộc đại phẫu khác. Cụ thể:

Lấy ra lượng mỡ thừa quá lớn trong cơ thể một cách đột ngột có thể gây nhiều rối loạn, xuất huyết;

Nếu đặt ống hút dịch mỡ chạm vào mạch máu có thể gây phù nề diện rộng ở bệnh nhân;

Nguy cơ biến chứng tụ máu, giảm hoặc tăng lắng đọng sắc tố da, da không bằng phẳng, sẹo lồi, hoại tử da do hút không đúng lớp mỡ, tổn thương mạch máu, viêm mô mỡ dưới da, xuyên thủng thành bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn, viêm hoại tử cận thành bụng, chảy máu, tắc mạch.

Các nguy cơ biến chứng trên xảy ra trong trường hợp hút quá nhiều mỡ hoặc hút tại nhiều vị trí khác nhau trong cùng một lần, thực hiện nhiều phẫu thuật khác nhau cùng lúc, truyền quá nhiều dịch - thuốc tê hoặc thời gian phẫu thuật kéo dài. Vì vậy, độ an toàn của thủ thuật hút mỡ bụng cũng phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ.

Hút mỡ là thủ thuật giúp giảm béo nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng cho cơ thể. Sau khi hút mỡ, để giữ gìn vóc dáng thon gọn, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập thường xuyên.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ NHẬN ƯU ĐÃI