Điều mẹ bầu cần biết khi có ý định tiêm filler để ‘tân trang’ nhan sắc

Điều mẹ bầu cần biết khi có ý định tiêm filler để ‘tân trang’ nhan sắc

Phụ nữ mang thai cũng có nhu cầu làm đẹp, ngoài việc dùng các sản phẩm thiên nhiên thì 1 số người lựa chọn biện pháp tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, phương pháp này liệu có an toàn cho thai phụ?

Tiêm chất làm đầy khi mang thai có an toàn?

Chất làm đầy (filler) là chất có tác dụng giúp làm đầy các mô đã bị mất đi hoặc có tác dụng dưỡng ẩm. Hiện nay, chất làm đầy được phân làm 2 loại là chất làm đầy vĩnh viễn (sử dụng chất silicon) và chất làm đầy bán vĩnh viễn (sử dụng axit hyaluronic).

Theo ThS, BS Nguyễn Duy Hải (GĐ Phòng khám Thẩm mỹ Da liễu Duy Hải), phụ nữ không được tiêm chất làm đầy (tiêm filler) để làm đẹp trong thai kỳ, bởi vì đây là chống chỉ định của phương pháp này.

Việc chống chỉ định tiêm chất làm đầy cho phụ nữ mang thai vì nhiều nguyên nhân như:
Tiêm filler là thủ thuật xâm lấn.

Chất gây tê lidocaine trong chất làm đầy được khuyến cáo hạn chế sử dụng đối với phụ nữ mang thai nếu không cần thiết.

Liệu trình tiêm chất làm đầy (tiêm filler) không có quá nhiều bước, thông thường bác sĩ sẽ bôi tê bằng thuốc lidocaine và tiêm chất làm đầy axit hyaluronic. Quá trình thực hiện diễn ra trong ngày. Sau đó, bạn có thể sẽ quay lại sau 1 đến 2 tuần để kiểm tra hiệu quả. 

 Trong trường hợp phát hiện mang thai khi đã tiêm chất làm đầy thì bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám, bởi vì dù là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, không cần gây mê, nhưng do phương pháp này hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Vì thế, các nhà khoa học vẫn chưa có khuyến cáo nào về việc phụ nữ mang thai phải bỏ thai khi tiêm chất làm đầy, tuy nhiên, cũng không được khẳng định là an toàn 100%.

Tiêm chất làm đầy như thế nào để đảm bảo an toàn?

Chất làm đầy (filler) là một trong những phát minh đáng khen ngợi của ngành thẩm mỹ bởi vì đây là một thủ thuật nhẹ nhàng và mang lại vẻ đẹp tức thì cho phụ nữ. Tuy nhiên, để tiêm chất làm đầy đúng, đẹp và an toàn thì bạn cần chú ý vào nhiều yếu tố:

Chất lượng sản phẩm tốt: Tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm chất lượng.

Tay nghề bác sĩ: Người thực hiện tiêm chất làm đầy phải được huấn luyện về tiêm chất làm đầy và phải biết về quy trình thực hiện vô khuẩn như thế nào.

Quan trọng nhất là phải lựa chọn cơ sở tiêm chất làm đầy uy tín, có chất lượng để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có rất nhiều chống chỉ định về việc tiêm filler. Những người thường có chống chỉ định trong tiêm chất làm đầy là:

- Người bị dị ứng với chất lidocaine.

- Dị ứng với những chất làm đầy đã biết trong quá khứ.

- Vùng tiêm đang bị nhiễm trùng.

- Đang mắc bệnh về toàn thân, hệ miễn dịch.

Tiêm chất làm đầy (tiêm filler) có gây biến chứng không?

Tiêm chất làm đầy (tiêm filler) là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải một số biến chứng. Các biến chứng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn.

Biến chứng sớm có thể gặp là bị bầm, chảy máu. Nếu tiêm vào mạch máu có thể gây hoại tử vùng tiêm.

Những biến chứng muộn hơn có thể phát hiện là những nốt sưng không viêm, hoặc bị u hạt.
ThS, BS Nguyễn Duy Hải cho biết, với người bình thường khi xuất hiện các nốt sưng không viêm hoặc bị u hạt thì việc xử lý khá đơn giản vì bác sĩ có thể sử dụng “chất đối kháng” để khắc phục. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai việc xử trí sẽ tương đối phức tạp, bởi bác sĩ không chắc chắn việc sử dụng “chất đối kháng” có an toàn cho thai nhi hay không. Do đó, nếu phụ nữ tiêm filler trong thai kỳ có xuất hiện biến chứng thì tốt nhất nên chờ sau khi sinh xong hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và sử dụng “chất đối kháng” để cải thiện tình trạng.

Làm đẹp cho phụ nữ mang thai như thế nào là an toàn?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp làm đẹp an toàn cho phụ nữ mang thai, chẳng hạn như: lựa chọn các sản phẩm làm đẹp từ tự nhiên hoặc các sản phẩm cho bà bầu và cho con bú. Nếu có nhu cầu thì có thể đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn chế độ chăm sóc da phù hợp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chăm sóc da bằng các cách đơn giản sau đây:

- Lựa chọn các sản phẩm làm sạch da phù hợp. Rửa mặt ngày 2 lần (sáng tối), rửa mặt bằng nước ấm, sau đó rửa lại bằng nước lạnh.

- Ăn, uống nhiều rau xanh, trái cây.

- Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp.

- Sử dụng kem chống nắng.

Nhìn chung, trong quá trình mang thai nếu muốn làm đẹp thì bạn cần cẩn trọng, đặc biệt là những liệu pháp có sử dụng hóa chất vào cơ thể. Tốt nhất bạn vẫn nên duy trì làm đẹp bằng các phương pháp cơ học đơn giản. Sau khi sinh, trong thời gian cho con bú bạn có thể tập thể dục, massage để cơ thể có thời gian trở về bình thường, sau đó,  nếu có nhu cầu “tân trang” nhan sắc hay đến gặp các bác sĩ thẩm mỹ để được tư vấn cụ thể.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ NHẬN ƯU ĐÃI