Với từ khóa “tai biến do hút mỡ bụng” trên Google, chúng ta dễ dàng tìm thấy không ít thông tin về tai biến và tử vong vì hút mỡ, trong đó nhiều trường hợp đã xảy ra ở những nước có ngành giải phẫu thẩm mỹ rất phát triển.
Điển hình như đầu năm nay, một phụ nữ sống tại bang California, Mỹ, phải nhập viện vì đau bụng do nhiễm trùng. Trước đó, cô đã thực hiện việc hút mỡ bụng tại một phòng khám … “chui” tại San Francisco.
Năm 2009, Denise Hendry, vợ cựu cầu thử Sctoland Colin Hendry qua đời do hậu quả từ ca phẫu thuật hút mỡ bụng bảy năm trước. Denise đã bị bác sỹ chích quá sâu vào ruột non và ruột kết khiến chị bị nhiễm độc máu, suy thận, suy tim và xẹp phổi. Còn rất nhiều trường hợp tai biến, thậm chí tử vong khác mà nạn nhân là người đi hút mỡ bụng gánh lấy.
Câu hỏi được đặt ra ở đây: Phải chăng hút mỡ bụng là một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn trong mọi tình huống? Nếu điều này thường xuyên xảy ra, sao loại hình làm đẹp này vẫn còn tồn tại và ngày càng được nhiều người quan tâm?
Bước tiến của kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ hút mỡ bụng
Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, khi phương pháp hút mỡ bụng ra đời, những phụ nữ sở hữu vòng hai quá khổ cảm thấy vô cùng phấn khởi. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ chuyên lĩnh vực này đã sáng chế ra nhiều máy móc và công nghệ mới.
Nếu nói rằng phẫu thuật hút mỡ bụng là cứu cánh hoàn hảo cho phụ nữ trung niên muốn lấy lại vóc dáng thon gọn cũng không ngoa. Tuy nhiên, trường hợp tai biến vẫn xảy ra mà nguyên nhân là do bác sỹ phẫu thuật và khách hàng đã có sai sót trong các khâu thực hiện.
Theo bác sỹ Phạm Hiệp Lợi, giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Hiệp Lợi, hơn 30 năm qua, kỹ thuật hút mỡ đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt về máy móc.
Hiện nay, có ba phương pháp chính được sử dụng để thực hiện hút mỡ gồm:
– Hút mỡ cơ học: Đây là kỹ thuật đầu tiên của chuyên ngành hút mỡ bụng, lúc đầu dụng cụ chỉ là những ống hút. Trong quá trình hút, bác sỹ dùng sức tay để phá vỡ các liên kết mỡ. Sau đó các ống hút chuyên dụng kèm máy hút mới được nghiên cứu và phát minh. HIện tại, bộ dụng cụ này vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
– Hút mỡ bằng sóng siêu âm: Phương pháp tân tiến này được áp dụng khoảng vài năm gần đây. Hiện tại, có máy siêu âm (kỹ thuật UAL – Ultrasound Assisted Liposuction), dùng sóng siêu âm đánh tan mỡ ra thành nước, không tác động đến mạch máu và thần kinh. Sau đó, bác sỹ sẽ dùng ống hút lấy lượng mỡ này ra. Phương pháp này ít gây đau, gây sưng, ít chảy máu và giúp cho da săn chắc.
– Hút mỡ bằng kỹ thuật laser: Đây là phương pháp mới nhất trong chuyên ngành hút mỡ bụng. Đèn laser sẽ được gắn vào đầu ống hút, đưa xuống dưới da 2cm và đốt cháy mỡ thành nước rồi hút ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bác sỹ không nắm vững kỹ thuật sẽ gây bỏng da và tạo bướu thanh dịch. Biến chứng này rất khó khắc phục. Tại Việt Nam, số lượng máy hút mỡ laser ẫn chưa nhiều.
Hiện tại, ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc … đang áp dụng kỹ thuật hút mỡ phối hợp bằng sóng siêu âm và máy PAL (máy rung), cho kết quả tối ưu. Tuy nhiên, phương pháp này phải do bác sỹ có nhiều kinh nghiệm thực hiện mới cho kết quả an toàn.
Việc chọn lựa phương pháp phù hợp cho khách hàng để thực hiện hút mỡ vô cùng cần thiết, bởi sẽ có những trường hợp mỡ cứng, mỡ mềm hay sự co giãn vùng da bụng rất khác nhau.
Nguyên nhân gây tai biến
Có thâm niên kinh nghiệm thực hiện giải phẫu hút mỡ bụng, bác sỹ Phạm Hiệp Lợi cho biết có 4 nguyên nhân khiến ca hút mỡ bụng thất bại như sau:
– Giống như bất cứ ca phẫu thuật nào, hút mỡ bụng cần được thực hiện trong một phòng mổ đầy đủ tiện nghi và đảm bảo vệ sinh. Nhiều cơ sở hút mỡ bụng không hề có giấy phép của Sở Y tế, phòng ốc ẩm thấp nhưng bác sỹ vẫn ngang nhiên thực hiện và khách hàng ham rẻ nên sẵn sàng bước lên giường mổ. Với những trường hợp như thế này, tai biến nhiễm trùng sau khi hút mỡ là điều dễ dàng xảy ra. Mức độ nhẹ thì may mắn cứu được, nếu nhiễm trùng nặng rất dễ gây tử vong.
– Hậu phẫu thuật hút mỡ, bệnh nhân có thể lên cơn đột quỵ và qua đời nếu cơ thể mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Khác với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khác, hút mỡ bụng gây tác động đến hầu hết các cơ quan nội tạng và tai biến dễ dàng xuất hiện nếu bác sỹ không kiểm tra các bệnh lý của khách hàng trước khi tiến hành phẫu thuật.
– Liều lượng mỡ hút quá nhiều cũng sẽ gây tử vong. Theo lý thuyết thì mỗi lần hút, lượng mỡ lấy ra bằng 5% trọng lượng cơ thể bệnh nhân. Do đó, số lượng mỡ hút ra cũng phải được tính toán kỹ càng.
– Một tai biến hiếm gặp nhưng có thể gây chết người sau hút mỡ là hội chứng thuyên tắc mỡ, thuyên tắc phổi. Nghĩa là trong quá trình hút, mỡ lỏng xâm nhập vào máu, phổi gây tắc mạch, suy hô hấp.
Thận trọng với lời quảng cáo và làm đẹp thông minh
Công dụng của phẫu thuật hút mỡ bụng quả thật tuyệt vời cho những ai cảm thấy mất tự tin với lượng mỡ thừa ở bụng. Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng tin ngay những lời quảng cáo trên mây của các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ. Nếu chọn nhầm nơi không đảm bảo chất lượng về kỹ thuật lẫn vệ sinh, bác sĩ tay nghề non yếu, hậu quả dành cho bạn sẽ khôn lường.
Bác sỹ Hiệp Lợi khẳng định, những cơ sở đưa ra cam kết sẽ thu gọn 20 – 30cm số đo vòng bụng cho khách hàng sau lần hút mỡ đầu tiên là không đúng sự thật. Khách hàng tuyệt đối không nên vì sợ đau hay ngại tốn kém nhiều lần mà tin vào những lời mời gọi trên.
Cũng theo bác sỹ Hiệp Lợi, có rất nhiều chị em cho rằng sau khi hút mỡ và gầy bớt thì có thể ăn uống thoải mái. Thực tế, lượng mỡ sinh ra do năng lượng thừa nên chuyện tẩm bổ cơ thể tối đa sẽ khiến cho cuộc giải phẫu trước đó trở nên vô nghĩa. Nếu sau khi hút mỡ bạn cho phép mình ăn uống thả cửa thì chỉ cần sáu tháng, số đo vòng hai sẽ trở lại như ban đầu.
Để giữ được vòng eo thon gọn đúng với mong muốn của bản thân, việc tất yếu sau khi hút mỡ là bạn phải có một chế độ ăn uống cân đối và tăng cường rèn luyện thể thao. Tuy nhiên, trong thời gian đầu sau phẫu thuật, bạn nên đi bộ hoặc chơi cầu lông là tốt hơn cả.
Lưu ý quan trọng khi hút mỡ bụng
Chị em không nên vì háo hức kết quả mà bỏ qua những lưu ý trước khi thực hiện hút mỡ bụng như sau:
Khám tổng quát trước khi thực hiện hút mỡ bụng
Hút mỡ bụng sẽ gây tác động đến hầu hết các cơ quan nội tạng. Do đó, trước khi phẫu thuật, bạn phải khám sức khỏe để xem mình có mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường hay không. Nếu bác sỹ không chú ý điều này, bạn phải nhắc nhở. Bởi lẽ, một khi bạn đã mắc các bệnh lý trên mà vẫn đánh liều hút mỡ bụng, nguy cơ tai biến xảy ra sẽ rất cao.
Mỡ đùi và mỡ bụng trên rất khác nhau
Mỡ đùi dễ hút còn mỡ bụng trên (đặc biệt là ở những người béo bụng do uống bia) rất khó hút. Vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư, cao huyết áp… Vậy nên, khi quyết định hút mỡ bụng trên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ càng.
Mong muốn vừa phải và nghe lời tư vấn của bác sỹ
Lượng mỡ hút ra mỗi lần chỉ nên từ 0,5 – 1 lít là tốt nhất. Nếu số dư mỡ quá nhiều, bạn nên chia ra hút nhiều lần, mỗi lần cách nhau từ 3 – 6 tháng. Khi đó, vết mổ cũ đã lành và có thể thực hiện tiếp.
Chọn lựa cơ sở tốt
Cơ sở đạt an toàn vệ sinh là điều đáng lưu tâm đầu tiên. Khi tìm nơi giải phẫu, không nên quá tin vào lời quảng cáo. Nên tìm hiểu thông tin từ người thân, bạn bè đã từng thực hiện. Khi đến cơ sở thẩm mỹ, nên quan sát phòng mổ để đánh giá sự tiện nghi lẫn vệ sinh.
Chỉ hút mỡ ở những vùng da còn khá săn chắc
Phụ nữ đã sinh con 3 – 4 lần, phần da bụng chảy xệ nhiều, không nên hút mỡ. Bởi sau đó, phần da này sẽ nhão và bạn sẽ cảm thấy tự ti hơn nữa. Trường hợp này, nếu muốn hút mỡ, bạn phải kết hợp phẫu thuật cắt da.
Tiền nào của ấy
Những cơ sở thẩm mỹ “chui” và các bác sỹ tay nghề “dỏm” thường lấy giá khá rẻ. Vì thế, bạn và người thân đừng để mình bị rơi vào những chiếc bẫy này.
Cân nhắc khi chọn phương pháp hút mỡ bằng máy laser
Phương pháp hút mỡ bằng máy laser mang lại hiệu quả rất tốt, ít gây tai biến nhưng quá trình thực hiện lại rất đáng lưu tâm. Nếu bác sĩ thực hiện không nắm vững kỹ thuật, xê dịch tay một chút có thể gây cháy da bệnh nhân. Vì thế, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về tay nghề của bác sỹ trước khi đồng ý thực hiện.
Béo phì không nên hút mỡ
Béo phì là một chứng bệnh và không thể hút mỡ bụng để gầy bớt.
Tác dụng phụ thường gặp của hút mỡ bụng
Bầm da, sưng lâu không lành, thẹo xấu, đau lâu do chạm dây thần kinh, bị ống hút mỡ chọc vào bụng, da không đồng đều, đóng cục.