Mỗi phương pháp hút mỡ có những ưu nhược điểm riêng và đều có thể gặp phải các biến chứng.
Hút mỡ là một phẫu thuật sử dụng ống hút để lấy mỡ ra khỏi một vùng cơ thể nhất định. Đây không được coi là một phương pháp để giảm cân. Nếu thừa cân, bạn có thể giảm cân bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục hoặc các phẫu thuật cắt và tạo hình dạ dày, ống tiêu hóa.
Hút mỡ được sử dụng trong trường hợp nào?
Theo chia sẻ của TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hút mỡ sử dụng để lấy bớt mỡ ở những vị trí tích mỡ quá nhiều, gây mất cân đối cơ thể mà không đáp ứng với ăn kiêng hoặc tập thể dục. Một số vị trí hút mỡ như: cằm (nọng cằm), cổ, bụng, cánh tay, lưng, mông.
Hút mỡ làm thay đổi đường viền của cơ thể. Kết quả này được duy trì trọn đời nếu cân nặng của bạn được giữ ổn định.
Sau khi hút mỡ, da tự điều chỉnh theo đường viền mới. Nếu da bạn có độ đàn hồi tốt, vùng da sau khi điều trị sẽ mịn màng. Nếu da của bạn mỏng và đàn hồi kém, có thể có hiện tượng lỏng lẻo, sa trễ sau điều trị.
Các biến chứng có thể xảy ra khi hút mỡ
- Đường viền không đều. Da của bạn có thể xuất hiện mấp mô, gợn sóng hoặc teo do loại bỏ chất béo không đồng đều, độ đàn hồi da kém. Những thay đổi này có thể là vĩnh viễn.
- Tổn thương bên dưới da do ống hút được sử dụng trong quá trình hút mỡ có thể làm cho da xuất hiện một đốm vĩnh viễn. Biến chứng này liên quan đến kỹ thuật hút mỡ.
- Tụ dịch (huyết thanh) có thể hình thành dưới da, cần phải rút dịch ra bằng kim.
- Tê vùng da điều trị tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Nhiễm trùng là hiếm nhưng có thể xảy ra.
- Gây tổn thương cơ quan nội tạng bên dưới do ống hút (chọc vào khoang màng phổi, chọc vào ruột, gan) và cần phải can thiệp cấp cứu. Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra nếu được thực hiện đúng kỹ thuật.
- Tắc mạch mỡ: mỡ tự do trong quá trình hút có thể di chuyển trong mạch máu và dừng lại, gây tắc mạch ở phổi dẫn đến suy hô hấp cấp hoặc ở não gây đột qụy. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.
- Vấn đề về tim và thận liên quan đến lượng dịch được bơm vào và hút ra, có thể đe dọa đến tính mạng.
- Ngộ độc thuốc tê: lidocain là thuốc tê thường được pha tiêm cùng với dịch trong quá trình hút mỡ để kiểm soát đau cho bệnh nhân. Độc tính của lidocaine có thể xảy ra, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, hệ thần kinh trung ương và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy cơ các biến chứng trên tăng lên khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật trên một diện tích bề mặt lớn hoặc thực hiện nhiều vị trí cùng 1 lúc, đặc biệt khi phẫu thuật được thực hiện ở những cơ sở không đủ chuyên môn, không được cấp phép, không được trang bị đầy đủ để xử lý kịp thời các biến chứng.
Các phương pháp hút mỡ
- Hút mỡ tiêu chuẩn: bác sĩ sẽ tiêm vào vùng hút mỡ một dung dịch vô trùng gồm có nước muối sinh lý, thuốc tê (thường là lidocain), thuốc co mạch máu (epinephrine). Sau đó rạch một đường nhỏ trên bề mặt da để đưa ống hút vào dưới da, ống hút nối với hệ thống hút áp lực. Nhờ có động tác đưa đầu hút qua lại trong lớp mỡ dưới da, mỡ được hút ra khỏi cơ thể.
- Hút mỡ với siêu âm hỗ trợ: Sóng siêu âm hỗ trợ làm vỡ và đánh tan các tế bào mỡ (hay còn gọi là nhũ tương hóa mỡ), giúp cho việc hút mỡ hiệu quả và dễ dàng hơn.
- Hút mỡ với laser hỗ trợ: sử dụng laser cường độ cao để phá vỡ các tế bào mỡ, sau đó được hút ra ngoài bằng ống hút tương tự hút mỡ truyền thống.
- Hút mỡ với đầu hút rung: Đầu hút rung động đều đặn cùng với động tác tay của bác sĩ giúp hút được lượng mỡ nhiều hơn.
Mỗi phương pháp hút mỡ có những ưu nhược điểm riêng, và đều có thể gặp phải các biến chứng nêu trên. Điều quyết định cho kết quả của phẫu thuật hút mỡ không phải là phương pháp hút mà phụ thuộc trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân và kinh nghiệm, thói quen của bản thân giúp bác sĩ đánh giá và đưa ra phương án điều trị để đạt được kết quả tốt nhất.
Một số lưu ý trước, trong và sau phẫu thuật
Trước phẫu thuật:
- Khai thác kỹ các bệnh đang mắc, thuốc đang sử dụng, tiền sử phẫu thuật.
- Bác sĩ khám và kiểm tra sức khỏe tổng thể, đánh giá các bệnh lý về tim mạch, hô hấp và các bệnh lý toàn thân khác.
- Bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang ngực.
Trong quá trình phẫu thuật:
Một số quy trình hút mỡ có thể chỉ cần gây tê cục bộ - giới hạn trong một khu vực cụ thể của cơ thể bạn. Các phẫu thuật lớn hơn yêu cầu gây mê toàn thân, gây ra tình trạng bất tỉnh tạm thời. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc an thần, thường là tiêm tĩnh mạch, để giúp giữ bình tĩnh và thư giãn.
Đội ngũ phẫu thuật sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân trong suốt quá trình. Nếu được gây tê cục bộ và cảm thấy đau trong khi làm thủ thuật, hãy nói với bác sĩ phẫu thuật của bạn. Có thể cần phải điều chỉnh thuốc hoặc động tác hút.
Phẫu thuật có thể kéo dài đến vài giờ, tùy thuộc vào mức độ loại bỏ chất béo.
Nếu đã gây mê toàn thân, bệnh nhân sẽ thức dậy trong phòng hồi sức. Thông thường, bệnh nhân cần được lưu lại một vài giờ trong bệnh viện hoặc phòng khám để nhân viên y tế có thể theo dõi quá trình phục hồi. Nếu bệnh nhân đang ở trong bệnh viện thì có thể ở lại qua đêm để đảm bảo rằng không bị mất nước hoặc bị sốc do mất nước.
Sau khi phẫu thuật:
- Bệnh nhân có thể gặp tình trạng đau, sưng hoặc bầm tím ở vùng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm và hạn chế các triệu chứng này. Sưng tại vùng phẫu thuật có thể kéo dài vài tuần. Sau 1 vài tháng, đường viền cơ thể sẽ trở nên gọn gàng hơn.
- Có thể cần băng ép hoặc mặc quần áo ép trong vòng một vài ngày đến vài tuần để giảm sưng và giảm tụ dịch.
- Bệnh nhân cần đợi/nghỉ ngơi một vài ngày trước khi trở lại làm việc và một vài tuần trước khi tiếp tục các hoạt động bình thường, bao gồm tập thể dục.
- Nếu bệnh nhân bị tăng cân sau hút mỡ, sự phân bố mỡ cơ thể thay đổi và kết quả phẫu thuật có thể mất.
Chị em nên chọn những Bệnh viện và Trung tâm thẩm mỹ được Bộ Y Tế cấp phép, với các bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe và vẻ đẹp của chính mình.