Nâng ngực và việc bảo tồn thiên chức làm mẹ

Nâng ngực và việc bảo tồn thiên chức làm mẹ

Phụ nữ đã phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ, nếu được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp phù hợp.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, Đơn vị tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bình Dân, giảng viên bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ Đại học Y Dược TP HCM khẳng định như trên.

 

Trước khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ luôn tư vấn cho bệnh nhân vị trí vết mổ, nguyên tắc là bảo tồn tối đa thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân. Bệnh nhân có nhu cầu sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ, lựa chọn hàng đầu là đường mổ qua nách hoặc dưới nếp vú (chân ngực). Các vị trí này an toàn, không tác động đến tuyến vú và ống tuyến sữa - nguồn sữa.

Riêng đường mổ ở quầng vú, đi qua tuyến vú, có thể làm tổn thương hệ thống ống tuyến sữa, ảnh hưởng đến việc cho con bú bằng sữa mẹ. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc đường mổ này khi bệnh nhân muốn duy trì việc cho con bú bằng sữa mẹ sau nâng ngực.

Túi ngực thường được đặt sau lớp cơ thành ngực, không tác động trực tiếp vào tuyến vú, kích thước túi được lựa chọn phù hợp với cơ thể. Vì thế, việc tiết sữa hoàn toàn độc lập. Túi ngực không làm ảnh hưởng đến chất lượng và lượng sữa của bà mẹ.

 

"Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng bà mẹ đã nâng ngực không nên cho con bú", bác sĩ Phùng nói.

Theo bác sĩ, hiện nay phương pháp tối ưu cho bệnh nhân có ngực hai bên không cân đối hoặc mô mềm thành ngực mỏng là kết hợp nâng ngực bằng túi độn và cấy mỡ tự thân bổ sung, nhằm khắc phục toàn bộ những khuyết điểm. Phần mô mềm trên bầu ngực mỏng, dùng túi ngực không điều chỉnh hết được thì bác sĩ sẽ cấy thêm mỡ để tăng cường độ dày mô, điều chỉnh ngực đồng đều cả hai bên.

Một số phụ nữ chủ động lựa chọn không nuôi con bằng sữa mẹ. Nguyên nhân không phải do nâng ngực mà vì một số lý do khác. Họ có thể dùng thuốc ức chế tiết sữa. Tuy nhiên, ông khuyến cáo, sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trừ trường hợp chống chỉ định hoặc mẹ mất sữa thì mới không cho con bú. Người mẹ hoàn toàn có thể điều chỉnh cách cho trẻ bú, thời gian bú để bảo vệ thành quả phẫu thuật của mình.

 

Một trường hợp chắc chắn sẽ mất đi khả năng tiết sữa sau phẫu thuật, là tái tạo vú ở bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị ung thư vú. Do yếu tố bệnh lý, người bệnh phải cắt một bên, thậm chí cả hai bầu ngực để điều trị. Dù đã tái tạo vòng một, cấu trúc ngực đã bị mất đi phần tuyến vú, ống tuyến sữa. Do đó nguồn sữa mẹ không còn ở bên ngực tái tạo.

Để tránh "tiền mất tật mang", nên lựa chọn cơ sở thẩm mỹ được cơ quan quản lý y tế cấp phép, uy tín, là lời khuyên đầu tiên của bác sĩ Phùng. Bệnh nhân sẽ được thăm khám kỹ, chi tiết trước khi thực hiện thủ thuật xâm lấn. Kết quả đạt được ưng ý hơn, vòng một phù hợp với cơ thể, giảm nguy cơ biến chứng phải sửa chữa nhiều lần.

Ngoài ra, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình hậu phẫu. Mặc áo định hình ngực trong 4 tuần, tránh các vận động gắng sức trong 8 tuần đầu sau mổ. Tối thiểu 6 tháng sau phẫu thuật, khi các tổ chức bên trong ngực đã ổn định mới nên mang thai. Khi mang thai, tuyệt đối không được phẫu thuật ngực. Chị em cũng không cần tháo túi ngực trước khi mang thai hoặc sinh nở.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ NHẬN ƯU ĐÃI