Với những kỹ thuật và công nghệ làm đẹp hiện đại như ngày nay, nhiễm trùng sau nâng mũi là trường hợp rất ít xảy ra. Tuy nhiên, từ lúc thực hiện đến khi dáng mũi ổn định và hoàn thiện là cả một quá trình, vậy nên bạn hãy lưu lại những nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng ngay sau đây, để xử lý tình huống nếu có một cách tốt nhất nhé!
I. Dấu hiệu nhận biết mũi bị nhiễm trùng
Sau khi phẫu thuật, thông thường thì mũi bạn sẽ có biểu hiện sưng nhẹ vì trước đó đã chịu tác động từ thao tác bóc tách bên trong và khâu chỉ ở bên ngoài. Tuy nhiên, mũi sưng nhưng kèm theo những tình trạng sau đây, thì rất có thể đang bị nhiễm trùng.
a. Vùng mũi sưng và căng tức
Đây là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết trường hợp mũi bị nhiễm trùng khi nâng mũi. Thời điểm khoảng 2 tuần sau khi phẫu thuật, nếu như người bình thường chỉ thấy biểu hiện sưng và đỏ do quá trình lành thương của cơ thể đang diễn ra, nhưng bạn lại thấy mũi sưng to và cảm giác căng tức khó chịu liên tục thì nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ để kiểm tra vì có thể vết thương đã bị nhiễm trùng.
b. Nóng sốt và đau nhức ở mũi
Khi đưa các chất liệu sụn vào bên trong để tái cấu trúc mũi, vài ngày đầu bạn sẽ có cảm giác đau nhẹ vì cơ thể chưa thích nghi kịp. Tuy nhiên, nếu sau 3 – 5 ngày nâng mũi mà vùng mũi của bạn vẫn bị đau, tức, khó chịu thì đây có thể là biểu hiện của vết thương đang bị nhiễm trùng. Đặc biệt, khi cơ thể bạn bắt đầu nóng sốt thì đây chính là một trong những dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nâng mũi điển hình nhất.
c. Mũi bị chảy mủ, chảy dịch bên trong
Ngay sau khi phẫu thuật xong, bạn sẽ được băng bó cố định vùng mũi để giữ cho các chi tiết được nằm đúng vị trí. Trong trường hợp, kỹ thuật viên thao tác băng bó không đúng cách, hoặc để các dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng tiếp xúc với vết thương hở, thì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây nhiễm trùng, dẫn đến hiện tượng chảy dịch như máu hay mủ ở vùng trụ vách ngăn.
d. Mũi chuyển sang màu đen đậm
Trước hết, bạn cần phân biệt mũi tím đen do máu bầm chưa tan hết và mũi chuyển đen đậm do nhiễm trùng nặng. Cụ thể, khi có vi khuẩn xâm nhập vào khoang mũi khiến các tế bào xung quanh chết đi và trở thành màu đen, đây là dấu hiệu hiếm thấy nhưng cũng khá nguy hiểm.
II. Nguyên nhân dẫn đến mũi bị nhiễm trùng sau nâng
Trên thực tế, tỷ lệ bị nhiễm trùng sau khi phẫu thuật nâng mũi là khá thấp. Tuy nhiên, vẫn sẽ có trường hợp xảy ra bởi những nguyên nhân sau đây:
– Dụng cụ, thiết bị không được vô trùng: Các phòng khám hay bệnh viện lớn đều phải thực hiện vô trùng dụng cụ, trang phục với đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y Tế. Nhưng những cơ sở spa hay thẩm mỹ viện thiếu uy tín sẽ không xem trọng vấn đề này, gây nguy cơ bị nhiễm trùng cao cho các khách hàng sau khi phẫu thuật.
– Tay nghề của bác sĩ không đảm bảo: Các chuyên gia trong ngành thẩm mỹ cho rằng tay nghề bác sĩ quyết định rất lớn đến thành công của ca nâng mũi. Nếu các thao tác bóc tách, cắt ghép trong quá trình phẫu thuật không khéo léo sẽ gây tổn thương nhiều, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao.
– Chăm sóc hậu phẫu không cẩn thận: Một lý do thường gặp khác là bản thân người nâng mũi không tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ như không vệ sinh vết thương thường xuyên và đúng cách, sử dụng rượu bia hay các chất kích thích khác, không kiêng cữ trong ăn uống hay không uống thuốc theo chỉ định,…
– Cơ địa đề kháng với kháng sinh: Hiện tượng này xảy ra khi khách hàng đã có nhiều bệnh lý nền (đã từng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh), hoặc cơ địa có khả năng đề kháng kháng sinh cao. Dẫn đến uống thuốc kháng sinh vào cũng không tiêu diệt hay ngăn chặn được sự phát triển của vi khuẩn nên tình trạng sưng và chảy dịch tiếp tục kéo dài.
– Chất liệu sụn kém chất lượng: Những loại sụn cao cấp được nhập chính hãng sẽ có độ tương thích cao với cơ thể, giảm thiểu tỷ lệ gây nhiễm trùng hay trường hợp tự động đào thải khỏi cơ thể sau một thời gian. Ngược lại, những loại sụn rẻ tiền, không rõ nguồn gốc được sử dụng tại các cơ sở spa nhỏ thì kém chất lượng hơn, tiềm ẩn rủi ro cao.
III. Bị nhiễm trùng khi nâng mũi phải làm sao?
Trong trường hợp vùng mũi chỉ mới gặp dấu hiệu sưng, đau và cơ thể nóng sốt, bạn nên nhanh chóng báo bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời. Khi đó, bác sĩ có thể sẽ thay đổi thuốc đang sử dụng hoặc chỉ định kèm theo thuốc mới để gia tăng hiệu quả điều trị. Nếu mũi chuyển sang giai đoạn có dịch và chảy mủ bên trong, bác sĩ sẽ bơm rửa kháng sinh và tiếp tục theo dõi trong 3 – 5 ngày, nếu vẫn không có tiến triển tốt sẽ thay thế vật liệu nhân tạo mới. Cuối cùng, với tình trạng mô mũi tổn thương nặng và chuyển màu đen đậm, bác sĩ có thể chỉ định tháo sụn và đặt trung bì để giữ lại dáng mũi, tránh tình trạng co rút da. Sau đó 3 đến 6 tháng thì bạn có tiếp tục phẫu thuật để phục hồi dáng mũi như mong muốn.
Có thể thấy, sau khi phẫu thuật nâng mũi, tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc hậu phẫu là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên đi tái khám để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và có hướng xử trí kịp thời.
Từ trước đến nay, phẫu thuật chỉnh mũi vẫn luôn tồn tại một số rủi ro nhất định, điển hình là bị nhiễm trùng vết thương sau khi nâng mũi. Tuy nhiên, chỉ cần tìm được nơi phù hợp để gửi gắm niềm tin, bạn sẽ hạn chế được tối đa những nguy cơ có thể xảy ra khi làm đẹp.