Cách phòng tránh những tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ
Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu bản năng của chị em phụ nữ vì vậy nên nhiều người đã ‘dũng cảm’ kiểu không sợ gì hết lao vào làm đẹp dù đã nghe nhiều về các ca tai biến do thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Lưu Kính Khương, Trưởng Khoa gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), trong chuyên ngành gây mê hồi sức, thuốc dùng phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật bệnh lý là giống nhau, đều có tác dụng giảm đau, an thần, có thể gây ngủ.
Đối với phẫu thuật làm đẹp nhỏ, khách thường được gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Những phẫu thuật lớn bác sĩ sẽ dùng thuốc gây mê. Thuốc gây mê có ảnh hưởng đến nhận thức. Thuốc gây mê thường được đào thải khỏi cơ thể trong vòng 24 giờ. Do đó, sau một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nên di chuyển bằng xe taxi hoặc có người chở để tránh nguy hiểm.
Tai biến, biến chứng trong phẫu thuật làm đẹp luôn có nguy cơ xảy ra.
Với nhóm phẫu thuật hút mỡ toàn thân – ghép mỡ, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như:
Giảm thể tích tuần hoàn, hạ thân nhiệt, huyết khối – thuyên tắc mạch, hội chứng tắc mạch mỡ, nhiễm trùng, viêm mô tế bào, hoại tử mỡ, sốc sepsis,… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: hút quá nhiều dịch, mỡ; mất thể tích tuần hoàn; rối loạn điện giải; kỹ thuật viên không nắm được giải phẫu, lý thuyết về giải phẫu học; tàn phá mạch nuôi dưỡng tổ chức da vùng bụng; da và tổ chức dưới da bị thiểu dưỡng;…
Với nhóm phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt như gọt hàm, độn cằm, phẫu thuật hàm hô người bệnh thường gặp các tổn thương mạch máu.
Đặc biệt, sốc phản vệ là một trong những phản ứng nội khoa khá nặng. Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng xấu đến tính mạng khách làm đẹp.
Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ cần chú trọng ngay từ khâu thăm khám – xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng. Khách đến làm đẹp khi đến cơ sở thẩm mỹ phải khai tiền sử bệnh nội khoa như huyết áp…, những bệnh lý nội khoa, có dị ứng với dịch thuốc hoặc thức ăn, gì không?
Vì nếu trải qua cuộc phẫu thuật bình thường, đơn giản nhưng kiểm soát huyết áp không tốt cũng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Còn nếu trải qua cuộc phẫu thuật có gây mê sẽ dễ kèm theo stress rất nặng và những yếu tố nguy cơ cũng tăng lên. Do vậy, khách làm đẹp (đặc biệt ngoài 40 tuổi) có nên được khám và điều trị ổn định trước khi làm đẹp.
Để tránh những tai biến, biến chứng sau làm đẹp có thể xảy ra muộn như nhiễm trùng vết mổ, khách làm đẹp phải giữ vết mổ sạch, tránh ẩm và uống nhiều nước.
Kết quả phẫu thuật có sự chênh lệch với mong muốn của khách hàng cũng được xem là một loại rủi ro cho cơ sở y tế. Do đó, khi bệnh nhân đến thăm khám, tư vấn về dịch vụ thẩm mỹ, nhiệm vụ của bác sĩ là phải hiểu bệnh nhân muốn gì và làm sao để bệnh nhân hiểu rõ kết quả mà mình sẽ nhận được.
Điều cực kỳ quan trọng là nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, đầy đủ phương tiện, đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm.
Và điều cuối cùng là bạn phải thực sự biết được bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cho bạn có thực sự là bác sĩ hay chỉ là kỹ thuật viên, hay chỉ là những người có ‘chút’chứng chỉ đào tạo ngắn hạn chuyên ngành.