Trào lưu tiêm filler nâng mông/ngực nở rộ, chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo:

Trào lưu tiêm filler nâng mông/ngực nở rộ, chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo: "Tiêm filler vào 2 vùng này hiện đã bị nhiều nước cấm hoàn toàn"

Tiêm filler nâng ngực hay mông đang là trào lưu thẩm mỹ được nhiều spa, thẩm mỹ viện lăng xê nhiệt tình. Song trước bất kỳ quyết định can thiệp nào lên cơ thể, bạn đừng để chỉ vì thiếu hiểu biết mà khiến tiền mất tật mang, hay thậm chí là phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Đặt niềm tin lầm chỗ, đánh đổi cả cuộc đời

Dạo quanh các group về PTTM hay trang Facebook của các spa, thẩm mỹ viện, chúng ta không khó để bắt gặp những bài quảng cáo "có cánh" về phương pháp "bơm ngực", nâng ngực/mông nhanh gọn bằng cách tiêm filler. Sở hữu đôi gò bồng đào căng tròn hay vòng 3 nảy nở, đúng chuẩn "quả táo" vốn là mơ ước của nhiều chị em, lại thêm việc tin tưởng vào lời quảng cáo của các spa và bị hấp dẫn bởi mức giá khá rẻ, không ít người đã nhẹ dạ lựa chọn phương pháp này để nhằm tăng kích thước vòng 1 và vòng 3 cho mình

Vậy nhưng việc can thiệp vào cơ thể mà không có sự tìm hiểu, hiểu biết chuyên môn luôn dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn hồi. Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua, thông tin về trường hợp một người phụ nữ 32 tuổi tử vong sau 1 tuần vừa nâng ngực bằng phương pháp tiêm filler, tình trạng phổi đông đặc, xuất huyết ồ ạt đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trên trang cá nhân, bác sĩ Nguyễn Minh Khôi (Bác sĩ thẩm mỹ tại Aura Beauty Clinic, là Cố vấn chuyên môn cho Ps Medical Viet Nam, chi nhánh của Ps Medical Hàn Quốc) cũng thông tin về vụ việc một người phụ nữ tử vong đau lòng sau khi nâng ngực bằng phương pháp tiêm filler. Cụ thể, trong bài đăng của mình bác sĩ đã chia sẻ: “Ca bệnh do bạn mình ở viện nhận hôm 27/2. Bệnh nhân nữ, tiền căn trước đó 1 tuần kêu người đến nhà tiêm filler ngực. Tổng lượng filler tiêm không rõ. Sau khi tiêm thì bệnh nhân bắt đầu khó thở diễn biến nặng dần, ho ra máu sét đánh (ho ra 1 lượng lớn máu)".

"Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng khó thở nặng, không thể tự khai bệnh, ho ra máu lượng nhiều, xét nghiệm Hb ~ 2. g/dL (bình thường 12.9-15.9g/dL). Phim chụp X-quang thấy trắng xóa nhu mô phổi, dựng hình CT có thuốc cản quang, thấy nhiều ổ xuất huyết lớn ở khắp 2 bên phổi. Tiên lượng cực kỳ xấu, và người nhà xin đưa bệnh nhân về…”, bác sĩ cho biết.

Vụ việc này khiến cho những chị em có ý định làm đẹp hết sức hoang mang về cách nâng ngực/mông bằng thủ thuật tiêm filler - một phương pháp thẩm mỹ tưởng chừng rất phổ biến và luôn được quảng cáo nghe có vẻ khá an toàn. 

Hiểu được những hoang mang của chị em trước “ma trận” các loại hình “dao kéo” vòng 1 hay tiêm filler bị biến tướng lẫn lộn, chúng tôi đã liên hệ với 2 chuyên gia trong lĩnh vực này là TS. BS. Phạm Thị Việt Dung - Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Bạch Mai; BS Nguyễn Minh Khôi - Bác sĩ thẩm mỹ tại Aura Beauty Clinic, là cố vấn chuyên môn cho Ps Medical Viet Nam, chi nhánh của Ps Medical Hàn Quốc. Qua những giải đáp của chuyên gia, mong rằng các chị em sẽ có những kiến thức về phương pháp tiêm filler và nâng ngực an toàn.

Hiểu đúng để chọn đúng - Đừng liều lĩnh với chính cơ thể và mạng sống của mình

Filler có thực sự đáng sợ? Rủi ro khi chọn cải thiện vòng 1 bằng thủ thuật tiêm filler

Tiêm filler từ lâu đã không còn là phương pháp làm đẹp xa lạ. Nhiều chị em chuộng sử dụng chất này để cải thiện ngoại hình nhưng lại chẳng thực sự hiểu rõ về nó. Đặc biệt sau vụ việc đáng tiếc trên, filler trở thành một “thần chết” trong suy nghĩ của nhiều người. Vậy filler có thực sự đáng sợ? Trước hết hãy nghe BS. Nguyễn Minh Khôi giải thích về filler và vai trò của nó trong làm đẹp.

Những rủi ro khi chọn tiêm filler/chất làm đầy để cải thiện kích thước vòng 1

Được đánh giá là một phương pháp làm đẹp an toàn, vậy nên filler mới ngày càng phổ biến. Vậy nhưng không thể sử dụng nó bừa bãi cho mọi bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là để tiêm làm đầy vùng ngực. Về điều này, TS. BS. Phạm Thị Việt Dung đã giải đáp cặn kẽ các rủi ro:

Đối với vùng ngực, do cần thể tích tương đối lớn trong khi các chất làm đầy an toàn khá đắt. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sử dụng các chất làm đầy giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định (được gắn cho cái tên mỹ miều là hàng xách tay từ Mỹ, từ Hàn…, thậm chí là các chất cấm như silicon lỏng). Ngày nay nó rất được phổ biến trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Nhiều chị em phụ nữ sợ can thiệp phẫu thuật và sẹo ở vùng ngực, và dưới tác động tâm lý của thông tin quảng cáo không được kiểm soát, đã lựa chọn tiêm chất làm đầy ngực thay vì đặt túi độn.

Đối với làm đầy ngực, filler được tiêm vào dưới cân cơ ngực lớn, nằm giữa cơ và tuyến chứ không tiêm trực tiếp vào tuyến hay dưới da vú. Quá trình tiêm đòi hỏi nhiều kỹ năng và tốt nhất dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo tiêm đúng mặt phẳng (tuy nhiên trên thực tế thường tiêm mò bằng kinh nghiệm).

Nếu người thực hiện kỹ thuật không nắm chắc quy trình kỹ thuật và giải phẫu vú, chất làm đầy có thể bị tiêm trực tiếp vào mô vú gây vón cục, xơ vón, khó phân biệt và khám sàng lọc u vú sau này, hay tiêm thẳng vào các mạch máu gây đột quỵ, nhồi máu não, nhồi máu phổi… thậm chí dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, việc thực hiện tại các spa, thẩm mỹ viện nhiều trường hợp không đảm bảo vô khuẩn nên nguy cơ nhiễm trùng cao. Khi bội nhiễm vi khuẩn, nó sẽ gây viêm mủ lan tỏa trên toàn bộ ngực hoặc tạo thành các ổ áp xe lan tỏa trên toàn bộ tuyến vú.

TS. BS. Phạm Thị Việt Dung cũng lý giải thêm những yếu tố khiến cho việc nâng ngực bằng phương pháp tiêm filler rất nguy hiểm đó là:

Kỹ thuật này được thực hiện chủ yếu ở các spa, thẩm mỹ viện, nơi không được phép thực hiện. Trong khi đó, tại các cơ sở Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chính thống, người ta chủ yếu sử dụng filler với thể tích nhỏ cho vùng hàm mặt để đạt hiệu quả làm đầy, tạo các đường viền mũi, môi, cằm, thái dương,.... cũng như xóa các nếp nhăn trên da. Chúng ít được sử dụng cho việc làm đầy các vị trí cần khối lượng lớn: má, mông, ngực... do nguy cơ biến chứng và sự không tương xứng số tiền bỏ ra rất nhiều khi sử dụng lượng lớn filler cho vùng này trong khi hiệu quả thu được chỉ duy trì được trong thời gian ngắn.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các bạn an tâm khi vào các thẩm mỹ viện tiêm filler với giá rất cao. Giá cao nhiều khi lại chỉ đơn giản là chiến lược kinh doanh tập trung và đối tượng khách hàng là tầng lớp thượng lưu.

BS. Nguyễn Minh Khôi đồng thời nhấn mạnh thêm một số nguy cơ:

Trước đây việc tiêm filler ngực và mông từng được một số bác sĩ trên thế giới thử nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều biến chứng xảy ra khi tiêm filler vào 2 vùng này như hoại tử, áp xe, biến dạng, do vùng ngực, mông thường phải chịu nhiều tác động ngoại lực, nên tiêm filler vào 2 vùng này hiện tại đã bị nhiều nước cấm hoàn toàn.

Có thể thấy điển hình như vụ tiêm filler ngực bị tử vong vừa rồi, đây là sự cố rất đáng tiếc. Trong khi những biến chứng thường gặp hơn như áp xe ngực, biến dạng ngực, dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn để di chứng cực kỳ nặng nề. Để xử lý được vùng ngực và mông bị tiêm filler, các bác sĩ bắt buộc phải nạo toàn bộ mô mỡ và mô vú ở vùng ngực, hay mô mỡ ở vùng mông. Lúc này ngực gần như chỉ còn lớp da, và nạn nhân buộc phải đợi ít nhất 6 tháng để quay lại đặt túi tạo hình lại vùng ngực. Đây là quá trình cực kỳ đau đớn cả về thể xác và tinh thần cho nạn nhân

“Bơm ngực” và các chiêu trò biến tướng

Trước nhu cầu cải thiện kích thước vòng 1 ngày càng lớn của đông đảo chị em, nhiều spa và các thẩm mỹ viện trôi nổi đã nghĩ ra đủ chiêu trò, cách thức khác nhau dưới tên gọi chung là “bơm ngực”, khiến chị em không biết đâu mà lần. TS. BS. Phạm Thị Việt Dung khuyến cáo các chị em nên cảnh giác vì trong y khoa hoàn toàn không tồn tại thuật ngữ “bơm ngực” này:

 

Muốn sở hữu vòng một căng tròn, đâu là phương pháp an toàn tối ưu nhất hiện tại?

Chắc hẳn giữa hàng ngàn những băn khoăn thì câu hỏi mà các chị em muốn tìm được lời giải đáp nhất là: “Nâng ngực bằng phương pháp nào là an toàn nhất?”. Bằng kinh nghiệm và chuyên môn của một Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, TS. BS. Phạm Thị Việt Dung đưa ra lời khuyên:

Dựa trên các báo cáo y khoa về những phương pháp nâng ngực khác nhau cũng như kinh nghiệm lâm sàng nhiều năm, tôi cho rằng hiện nay, nâng ngực bằng túi độn (tất nhiên là với các túi đã được kiểm định và cấp phép) vẫn là phương pháp an toàn nhất, kinh tế, đạt tính thẩm mỹ cao, hiệu quả lâu dài và cũng là phương pháp đang được lựa chọn phổ biến bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chính thống ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới trong đó có các nước tiên tiến Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn.

Nâng ngực bằng túi độn là sử dụng các dạng túi chứa silicon dạng gel đưa vào khoang ngực qua các đường rạch da kín đáo, thẩm mỹ: quanh quầng núm vú, đường chân ngực, nách, rốn. Hiện nay có nhiều loại túi silicon có thể lựa chọn với nhiều kích thước (đường kính, độ nhô) và nhiều loại: túi trơn, túi nhám, hình tròn, hình giọt nước… Nâng ngực bằng túi độn có nhiều ưu điểm: dễ đạt được hình dáng ngực với đường kính, độ nhô như ý và đồng đều 2 bên, đạt hiệu quả thẩm mỹ lâu dài do túi rất bền về mặt vật lý và hóa học (kể cả khi vỡ túi thì chất liệu dạng gel cũng nằm trong khoang chứa túi chứ không len lỏi hoặc thấm vào tổ chức mô xung quanh), có thể tháo bỏ túi dễ dàng khi không muốn nữa. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ các biến chứng về sau như bao xơ co thắt túi, không cân xứng, hoặc được chứng minh liên quan đến nguy cơ tăng tỷ lệ ung thư với một số loại túi...".

Cuối cùng, bác sĩ nhắn nhủ tới những ai đang có ý định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ:

Phẫu thuật thẩm mỹ là một lựa chọn cá nhân. Bạn làm việc này cho chính cơ thể của mình và sự lựa chọn là ở bạn. Tuy nhiên, hãy lắng nghe ý kiến chuyên gia để đưa ra lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất!

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ NHẬN ƯU ĐÃI