Nếu cơ thể có một số khiếm khuyết như sứt môi, thừa ngón, mắt hiếng, chân khoèo, nên phẫu thuật sớm trước tuổi trưởng thành. Nếu cơ thể phát triển bình thường thì việc phẫu thuật thẩm mỹ ở tuổi teen là không nên.
Có những đứa trẻ sinh ra không may mắn đã mắc một số dị tật bẩm sinh hoặc tai nạn, ảnh hưởng tới vận động, chức năng và thẩm mỹ, khiến các em rất mặc cảm, khó hòa nhập. Vì vậy, sự phát triển về trí tuệ và tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Việc can thiệp sớm sẽ giúp các em có được cuộc sống bình thường.
Sứt môi, hở hàm ếch: Việc can thiệp có thể bắt đầu từ 3 tháng tuổi, không chỉ giúp chỉnh hình khiếm khuyết trên khuôn miệng trẻ mà còn giúp cho các em có thể phát âm tròn vành rõ tiếng. Sau phẫu thuật, phải giúp trẻ rèn luyện kỹ năng phát âm.
Thừa ngón: Việc can thiệp phẫu thuật sẽ không có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy hãy giúp bé càng sớm càng tốt.
Chân khoèo: Việc chỉnh hình giúp định vị lại các tổ chức một cách chính xác, hỗ trợ cho bé làm quen với các vận động bình thường. Can thiệp càng sớm càng có cơ hội cho bé đi lại dễ dàng.
Mắt hiếng: Khi bị các tật khúc xạ muốn điều chỉnh bằng phẫu thuật, bác sĩ nhãn khoa thường yêu cầu trẻ phải qua 16 tuổi. Nhưng sự cân chỉnh nhãn cầu thì không chịu sự chính xác về mặt thời gian như thế. Chứng mắt hiếng có thể được can thiệp từ rất sớm. Có những bé phải chỉnh sửa 2 lần mới lấy lại được sự cân bằng cho mắt.
Dị tật cơ quan sinh dục: Chứng hẹp bao qui đầu, thoát vị bẹn cần can thiệp sớm để tránh đau và những ức chế tâm lý.
Răng lệch: Việc cân chỉnh lại khuôn hình hàm răng làm càng sớm thì thời gian thực hiện càng ngắn và hiệu quả càng cao. Ví dụ, việc đeo vòng chỉnh răng khi bé dưới 10 tuổi chỉ mất vài tháng, nhưng chỉ cần sau 15 tuổi thì thời gian đó đã có thể lên đến 1 năm; và ở đầu tuổi trưởng thành thì 2-3 năm có khi vẫn chưa cho hiệu quả tuyệt đối.
Phẫu thuật thẩm mỹ không nên dành cho nhóm đối tượng tuổi teen có sự phát triển bình thường, mong muốn hoàn thiện hơn nữa những gì mình có hoặc chỉ làm theo thị hiếu thời trang.
Điều quan trọng là cần cho cơ thể trẻ phát triển tự nhiên đến khi các tổ chức, cơ quan trong cơ thể định hình. Nếu thực hiện thủ thuật thẩm mỹ quá sớm, thay đổi của cơ thể sau đó có thể làm hỏng các chỉ định giải phẫu đã làm. Mặt khác, các tác động đó có thể ảnh hưởng đến chức năng của những cơ quan đã bị can thiệp.
Những kỹ thuật không nên làm cho trẻ là:
Nâng ngực thẩm mỹ: Bất kỳ bác sĩ thẩm mỹ nào trước khi làm thủ thuật nâng ngực cho chị em thường hỏi kỹ tuổi, có con hay chưa, còn có ý định sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ hay không. Đối với các khách hàng tuổi teen, thực hiện thủ thuật nâng ngực là chưa nên làm. Các tổ chức ngực còn mới và đang phát triển, còn thay đổi nhiều qua thời gian. Bên cạnh đó, việc can thiệp có thể ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa và nuôi con sau này.
Căng da mặt, xăm, nâng mũi, cắt mí mắt: Đều là những dịch vụ không được chỉ định với tuổi teen vì các tế bào, tổ chức da mặt, cấu trúc các bộ phận chưa phát triển hoàn thiện. Thủ thuật sẽ bị phá vỡ ngay trong một thời gian ngắn bởi sự thay đổi chóng mặt của các cơ quan trên khuôn mặt. Những chỉnh sửa kiểu này chỉ nên thực hiện khi cơ thể đã phát triển hết, không có biến đổi nhiều trong một thời gian dài.
Ngoài phẫu thuật, những dịch vụ thẩm mỹ sau cũng không nên áp dụng cho tuổi teen:
Bấm huyệt chân: Có cả một nền khoa học về bấm huyệt chân để chữa bệnh. Hiện có rất nhiều người chỉ dùng dịch vụ này để kinh doanh và phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng các chuyên gia về bấm huyệt khuyến cáo, không nên massage, bấm huyệt chân cho đối tượng vị thành niên, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi. Lúc này, việc xác định và làm thủ thuật trên các huyệt thiếu chính xác có thể dẫn đến các lệnh sai đến não bộ, khiến cho việc hình thành và phát triển của các bộ phận cơ thể có trục trặc.
Giảm béo: Nhiều người sai lầm khi cho rằng, có thể giảm béo cho con họ bằng giải pháp nhanh, 1 tuần tiêu 3 kg như với người lớn. Việc hút mỡ hay dùng kem tiêu mỡ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ thể. Đối với trẻ em, chỉ có một cách giảm béo an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học.