Ngày nay, nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, những “cô/chú vịt xấu xí” có thể trở thành “thiên nga”. Tuy nhiên, như tất cả các lĩnh vực khác, “chiếc đũa thần” này cũng có giới hạn nhất định.
Phẫu thuật thẩm mỹ, nếu chừng mực, cẩn trọng, sẽ là công cụ để cải thiện vẻ bên ngoài. Nhưng nếu quá đà, mải mê với nó, bạn sẽ nhận được kết quả không mong muốn.
»CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU
Không ít nghệ sĩ trở nên đẹp hơn, nổi danh hơn sau khi trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. “Chiếc đũa thần” này đã giúp họ phù phép mắt một mí trở thành hai mí, chiếc mũi thô kệch trở nên thanh tú hơn, cao hơn, bộ ngực lép kẹp trở thành đôi gò bồng đảo gợi cảm, chiếc cằm bạnh trở nên thon gọn hơn… Vì thế, nhiều người trong giới giải trí trong và ngoài nước đã không ngại nhờ đến “chiếc đũa thần” này để trở nên “long lanh”, ấn tượng hơn trong mắt công chúng. Và không chỉ có giới giải trí, ngày nay, cả những người bình thường cũng tấp nập đi giải phẫu thẩm mỹ. Điều này chính đáng bởi suy cho cùng, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một cách tân trang nhan sắc.
Nhu cầu làm đẹp không chỉ có ở phụ nữ mà ngay cả nam giới hiện nay cũng rất “mê”… làm đẹp. Quan sát tại các thẩm mỹ viện, trung tâm làm đẹp, có thể thấy, không ít nam giới tìm đến đây để cải thiện vẻ bề ngoài. Hơn nữa, không phải chỉ người có nhiều tiền mới “đầu tư” cho nhan sắc, cả cô công nhân cũng có thể đến những nơi này để sửa mắt, chỉnh môi, nhằm thêm tự tin hay thiết thực hơn là để “sửa tướng”, “đổi đời”.
Có thể nói, phẫu thuật thẩm mỹ – một phương pháp chỉnh sửa sắc đẹp ngoại khoa – đã làm được rất nhiều điều để phục vụ con người. Ngoài những kỹ thuật cắt mắt, sửa mũi, nâng ngực, nó còn giúp căng da mặt, da bụng, gọt lại xương hàm, nâng cơ mông… Hiện nay, tất cả các vị trí trên cơ thể cần chỉnh sửa để đẹp hơn đều có thể thực hiện được. Phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc một bộ phận nào đó, như khuôn mặt chẳng hạn.
»NÉT ĐẸP RIÊNG HAY “BẢN SAO”?
Không nên lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ mà không biết ưu, khuyết điểm trên cơ thể mình vì như thế, sẽ tạo ra những… “bản sao”, không có nét đặc trưng riêng. Nếu ai cũng sửa mắt hai mí, nâng mũi, xẻ môi trái tim, cằm chẻ, cắt lúm đồng tiền, sẽ giống như đang sao chép một khuôn mẫu mà chưa chắc phù hợp với cơ thể, tính cách. Thực tế, hiện nay, có thể bắt gặp không ít gương mặt “một kiểu” ở ngoài đời. Và chưa ai công nhận những khuôn mặt “sao chép” đó đẹp.
Bên cạnh đó, việc làm đẹp đòi hỏi bác sĩ thẩm mỹ có hiểu biết đầy đủ về những đặc điểm, tiêu chí sinh học và giải phẫu của cơ thể, có năng lực cao để cảm thụ tinh tế vẻ đẹp của con người. Từ đó, bác sĩ mới có thể đánh giá chính xác những gì cần làm và có thể làm nhằm giúp khách hàng đẹp hơn. Nếu thiếu điều này, cuộc giải phẫu chỉ đơn thuần là “chiều theo ý “thượng đế” để lấy tiền” và kết quả là tạo ra những bản sao “tệ giống nhau”. Vì vậy, cái đẹp chỉ được hoàn thiện và tôn vinh nhờ một số chuyên gia thẩm mỹ có năng lực, chứ không phải ai cũng có thể làm chuyên gia và thực hiện đại trà
Nhiều người không chỉ phẫu thuật nhiều vị trí trên cơ thể mà còn thực hiện nhiều lần cho một kỹ thuật trong khi điều kiện sức khỏe hạn chế.
»HÃY LẮNG NGHE CƠ THỂ!
Điều này quá mạo hiểm. Tỉnh táo, lắng nghe cơ thể luôn là điều cần ghi nhớ trước khi quyết định thực hiện chỉnh sửa nhiều lần để làm đẹp bằng dao kéo. Bởi khi dao kéo đã hạ xuống, sai lầm sẽ khó có thể khắc phục (việc trả lại nguyên trạng lại càng không thể). Bạn nên biết đâu là điểm dừng, biết cơ thể mình có thể đáp ứng với việc mổ xẻ tới đâu.
Khi nhiều lần phẫu thuật làm đẹp tại một vị trí, kết quả thường theo chiều hướng xấu đi vì cơ thể chỉ có thể chịu được ở giới hạn nhất định. Giống như với một chiếc áo, nếu bạn làm cho nó quá chật so với thân mình, tất nhiên, nó sẽ rách.
Khoa học cũng có những giới hạn và không có gì tuyệt đối. Việc làm đẹp cũng không nằm ngoài quy luật, có thể xảy ra những biến chứng, rủi ro. Càng nguy hiểm hơn nếu trong cơ thể người làm đẹp có sẵn các bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, đừng vì đẹp mà hy sinh thân mình!