Mới đây, một cô gái 24 tuổi phải tháo độn cằm do tiêm chất làm đầy một lần nữa cảnh báo mọi người phương pháp làm đẹp này trong năm qua.
Tháo độn cằm do biến chứng, hoại tử mũi, mù mắt cũng chỉ vì tiêm chất làm đầy…
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng lại được một phen xôn xao khi xuất hiện trường hợp cô gái 24 tuổi phải tháo độn cằm do gặp biến chứng khi tiêm chất làm đầy. Bài chia sẻ trên mạng của cô gái sinh năm 1994 khiến nhiều người xôn xao:
"Ám ảnh cuộc đời tôi, lần này là rạch lần thứ 4 rồi, nhiều lúc cảm thấy mình mạnh mẽ. Chẳng biết có làm lại được nữa không, bác sĩ nói phải theo dõi, 2 tuần nữa đến tiêm mỡ vào cho em để nó tái tạo lại cằm, nếu được thì ít nhất 6 tháng nữa có thể làm lại.
Khuyên mọi người đừng có tiêm filler linh tinh vào bất cứ chỗ nào trên người, tìm hiểu kĩ nhé vì nhiều khi chính người làm và người bán cũng chả biết nó có phải filler chuẩn hay không, chính em cũng học và làm nghề tiêm mà giờ em bị như thế này em cũng cảm thấy ghét luôn cái nghề này đó".
Đây không phải trường hợp đầu tiên gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy. Nhìn lại một năm qua, việc tiêm chất làm đầy để làm đẹp thực sự không còn xa lạ với nhiều chị em phụ nữ. Đáng tiếc là các ca gặp biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy lại ngày càng nhiều hơn.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Trưng Vương (TP. HCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân T.N.T. (19 tuổi, ngụ quận 2,TP.HCM) nhập viện do biến chứng sau tiêm chất làm đầy (filler) tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP. HCM.
Sau khi tiêm, chị T. vẫn cảm thấy bình thường, không đau và tiếp tục đi chơi. Ngày hôm sau, người phụ nữ này liên tục cảm thấy tê đau nhức vùng mũi và vùng da xung quanh mắt, sưng đỏ rồi chuyển sang tím bầm. Khi đến Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân được xử trí kháng viêm, kháng sinh và giảm đau trên vùng mũi, có thể cắt bỏ phần da hoại tử, phẫu thuật tạo hình lại, nhưng khả năng để lại sẹo cao, bệnh nhân may mắn không bị ảnh hưởng thị lực.
Trước đó, một cô gái quê Bình Dương 20 tuổi đến một spa tại quận 3, TP HCM, tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên khi vừa tiêm xong, mắt trái của cô đau nhức dữ dội và mờ dần, da từ đầu mũi đến mắt xuất hiện những mảng đỏ nhưng chưa hoại tử. 35 phút sau khi tiêm, cô gái được người ở cơ sở thẩm mỹ này đưa đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch võng mạc trung tâm, nguy cơ mù mắt.
Các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương (HN) cũng từng cảnh báo có rất nhiều ca tai biến sau khi tiêm chất làm đầy đến nhờ bác sĩ cứu giúp vì biến chứng đáng sợ. Điển hình là Nguyễn Thị Lan (23 tuổi) tiêm filler tại một cơ sở spa ở Hà Nội. Ngày thứ 3 sau tiêm, bệnh nhân có biểu hiện méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ, vết bầm tím lan rộng, tắc mạch nguy cơ hoại tử cao. Vào tháng 4, bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp bị sưng nề, đau vùng mũi và tiết dịch. Trước đó 5 ngày, nạn nhân có đi tiêm chất làm đầy tại một spa ở Hà Nội.
Vào tháng 7, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cũng mới tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Dương (30 tuổi, TP.HCM) trong tình trạng đau nhức và mờ mắt trái. Bệnh nhân cho biết trước đó một ngày cô có tiêm chất làm đầy da MISSFILL (Hyaluronic Acide + Lidocaine 2%) vùng sống mũi. Ngay sau tiêm chất làm đầy, Dương có cảm giác đau nhức vùng quanh hốc mắt và mắt trái mờ đi nhanh chóng.
Có thể nói, việc tiêm chất làm đầy hiện nay rất thịnh hành trong các spa, thẩm mỹ viện và được nhiều chị em ưa chuộng. Đáng tiếc là vẫn có rất nhiều biến chứng xảy ra, khiến chị em tiền mất tật mang đầy người.
Tiêm chất làm đầy hay bất cứ phương pháp làm đẹp nào cũng cần tìm hiểu kỹ, không được chủ quan
GS.TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh pôn, HN) cho biết, thủ thuật tiêm chất làm đầy với những người hành nghề lâu năm không còn là khái niệm gì mới mẻ, thực tế đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. "Tiêm chất làm đầy hay còn gọi là tiêm filler đối với phái đẹp là chuyện không quá xa lạ vì thường được sử dụng trong các phẫu thuật thẩm mỹ bơm môi, nâng ngực", chuyên gia cho hay.
Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính là mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm).
Là một chuyên gia trong ngành, vị giáo sư này nhận định, tiêm chất làm đầy được nhiều chị em hiện nay rất ưa chuộng bởi lẽ đây là hình thức phẫu thuật thẩm mỹ không cần đụng đến dao kéo, không gây đau đớn, không mất nhiều thời gian cũng như không phải nghỉ dưỡng…
Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy cũng có những rủi ro nhất định. Điều đầu tiên phải nói đến chính là việc tìm hiểu kỹ phương pháp cũng như tìm nơi "chọn mặt gửi vàng". Thế nhưng nhiều chị em lại tin vào những lời đường mật từ các cơ sở thẩm mỹ chui, spa làm đẹp… dẫn đến chẳng có mũi cao, cằm Vline, môi trái tim… như mong đợi, lại còn phải nhập viện trong tình trạng khuôn mặt biến dạng. Để điều trị, các bác sĩ sẽ phải gắp ra tỉ mỉ từng u cục nhỏ để làm sạch những chất làm đầy này.
Hiện nay, việc tiêm chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng nhưng nhiều nơi lợi dụng để làm chui, cùng sự kém hiểu biết của người làm dịch vụ, đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ở những cơ sở chui thường sử dụng chất làm đầy trái phép như silicon lỏng vốn là chất cấm, rất nguy hiểm cho khách hàng.
Do đó, trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, chị em nên xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt.
"Thực chất, tiêm chất làm đầy không phải cái gì quá khó thực hiện, nếu được thực hiện bởi những bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề đảm bảo. Do đó, lời khuyên của chuyên gia là bạn nên đến những bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện tiêm chất làm đầy cũng như bất cứ phương pháp thẩm mỹ tạo hình nào", chuyên gia nhấn mạnh.